Thương hiệu chiếm vị trí trọng tâm trong mọi chiến lược kinh doanh online. Doanh nghiệp sở hữu thương hiệu mạnh sẽ đạt được mục tiêu kinh doanh một cách nhanh hơn và hiệu quả hơn. Một trang web kinh doanh online thành công không thể thiếu đi việc xác định các thành tố nhận diện thương hiệu và cách triển khai chúng. Tuy nhiên, định nghĩa “thương hiệu” và làm sao để phát triển thương hiệu vẫn là một thắc mắc không nhỏ đối với nhiều doanh nghiệp.
Thương hiệu là gì?
Theo định nghĩa thông thường, thương hiệu được hiểu là một tập hợp những cảm nhận của khách hàng về một sản phẩm/dịch vụ hay một doanh nghiệp gồm đầy đủ các khía cạnh: Giá trị (Brand values); Cá tính (Brand personality); Thuộc tính (Brand attributes); Mô tả nhận diện (Brand identities).
Mức độ nhận diện thương hiệu phụ thuộc hoàn toàn vào chất lượng của những thành tố tạo ra nó. Một chiến lược thương hiệu được thực hiện tốt sẽ giúp cho trang web của bạn ghi dấu ấn trong lòng khách hàng, nâng cao lòng tin của họ vào sản phẩm bạn đang kinh doanh. Không chỉ có vậy, thương hiệu mạnh chính là nền tảng để phát triển các chiến lược liên quan như marketing, quảng cáo và quan hệ công chúng.
Dưới đây là 7 thành tố cơ bản tạo nên một thương hiệu:
Logo
Khi nhắc đến một thương hiệu nào đó, suy nghĩ của khách hàng sẽ đổ dồn về logo thương hiệu. Logo là một biểu tượng thể hiện lý tưởng kinh doanh và cá tính riêng của doanh nghiệp. Nói cách khác, logo chính là hiện thân của giá trị doanh nghiệp. Chính vì thế, điều đầu tiên bạn cần làm chính là chuẩn bị một logo có giá trị nhận diện thương hiệu cao, giàu ý nghĩa biểu trưng để đại diện cho website của mình.
Các logo biến thể
Logo có thể được biến hóa dưới nhiều hình thức khác nhau để phù hợp với từng trang (page) trong trang web của bạn. Ví dụ, nếu logo có nhiều màu, bạn có thể “sao chép” chúng ra nhiều phiên bản dạng đơn màu, hoặc màu đen trắng.
Màu sắc
Bên cạnh màu của logo, bạn cần chọn ra một màu sắc chủ đạo cho thương hiệu của mình. Cụ thể đối với trang web, màu chủ đạo không chỉ được dùng trong trang chính, mà còn xuyên suốt những trang con, trang điều hướng, hoặc những phần phụ khác trên site.
Kiểu chữ
Kiểu chữ bạn chọn có ảnh hưởng rất lớn đến giao diện của trang web. Hãy chọn những kiểu chữ dễ đọc và tương thích với nội dung bạn trình bày trên site của mình. Bên cạnh đó, bạn có thể setup thêm một vài kiểu chữ phụ dùng cho những dịp đặc biệt để tạo ra sự đa dạng trong nhận diện thương hiệu.
Hình ảnh
Một hình ảnh có giá trị hơn ngàn lời nói. Chính vì thế, khi lựa chọn hình ảnh cho website, bạn nên chú ý chọn những ảnh “ăn nhập” với định hướng nhận diện thương hiệu của bạn. Bên cạnh đó, bạn cũng nên quan tâm đến phong cách và đặc tính của hình ảnh để đạt được hiệu quả cao về giao diện.
Tông giọng thương hiệu
Thương hiệu của bạn khi đọc lên sẽ “nghe” như thế nào? Tông giọng này có thể hiện một kiểu tính cách cụ thể nào không? Nó muốn truyền đạt cảm xúc gì đến với khách hàng? Nó hướng đến nhóm khách hàng nào? Hãy thể hiện điều đó thật rõ ràng ở headlines và slogan các trang con!
Các yếu tố đồ họa
Phong cách thiết kế sử dụng trong website (và các ấn phẩm quảng cáo, tiếp thị) cũng là một nhân tố quan trọng. Hãy lựa chọn những yếu tố thiết kế phù hợp với định hướng phát triển thương hiệu của bạn như hình ảnh, biểu tượng, màu sắc, khoảng trống,…để làm nổi bật thương hiệu và gây ấn tượng với khách hàng.
Làm cách nào để quảng bá thương hiệu?
Những thành tố thương hiệu kể trên có thể được triển khai bằng nhiều cách, miễn sao phù hợp với hướng đi của doanh nghiệp và đem đến cho khách hàng đúng thông điệp mà bạn muốn gửi gắm. Bước tiếp theo, bạn cần chuẩn bị một bộ hướng dẫn quảng bá thương hiệu. Hãy tham khảo những quy tắc hướng dẫn đó để bắt đầu hành trình quảng bá thương hiệu của bạn trên website.
Một vài gợi ý dành cho bạn:
- Lựa chọn thiết kế web phù hợp: Website thường là kênh được khách hàng tiếp cận đầu tiên khi họ bắt đầu “quen” với thương hiệu của bạn. Vì thế, website cần phải thật ấn tượng để thu hút sự chú ý. Hãy tìm hiểu các xu hướng thiết kế web mới và tìm cách kết hợp chúng với chuẩn thiết kế mà bạn đã đặt ra cho thương hiệu của mình. Có rất nhiều nguồn mẫu thiết kế web hoàn toàn miễn phí cho bạn tham khảo. Nếu kĩ hơn, hãy tìm hiểu những gói tính phí để website của bạn được tối ưu hơn.
- Duy trì, nâng cấp, cải tiến website Website của bạn cần được cập nhật liên tục để bắt kịp các xu hướng và tốc độ phát triển của sản phẩm. Bạn nên chú ý đăng nội dung thường xuyên và cập nhật thiết kế web đúng thời điểm
- Định hình tông giọng thương hiệu và sử dụng hiệu quả Cuối cùng, thông điệp mà sản phẩm của bạn muốn gửi gắm là gì? Mỗi thành viên của doanh nghiệp đều phải nắm rõ điều này và truyền đạt nó đến với khách hàng.