Content Mapping được xem như kim chỉ nam định hướng nội dung, giúp doanh nghiệp cân bằng giữa mục tiêu kinh doanh và lợi ích của khách hàng. Vậy Content Mapping là gì? Làm thế nào để lập Content Mapping? Mời bạn theo dõi bài viết dưới đây.
Content Mapping là gì?
Content Mapping hay Bản đồ nội dung là một bản kế hoạch được thiết kế để phân phối nội dung phù hợp với từng giai đoạn trong hành trình khách hàng.
Hành trình này thường được chia thành ba giai đoạn chính:
- Nhận thức (Awareness)
- Cân nhắc (Consideration)
- Quyết định (Decision)
Lợi ích của Content Mapping
Content Mapping có thể mang lại nhiều lợi ích như:
Hiểu rõ hành trình khách hàng
Việc lập bản đồ nội dung yêu cầu bạn nắm rõ trải nghiệm của khách hàng tiềm năng và hiện tại khi tương tác với thương hiệu. Bạn sẽ xác định được nhu cầu, khó khăn, ưu tiên của họ, từ đó tạo ra nội dung phù hợp và hiệu quả hơn.
Đảm bảo nội dung cho từng giai đoạn
Content Mapping giúp nội dung liên kết chặt chẽ, bổ sung và củng cố giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp theo đuổi, đồng thời giải đáp các thắc mắc của khách hàng trong từng giai đoạn.
Tìm ra những chỗ thiếu sót trong nội dung
Bằng cách lập bản đồ, bạn dễ dàng phát hiện các chủ đề chưa đề cập nhưng quan trọng với khách hàng. Việc này giúp bạn tạo thêm nội dung hữu ích, cung cấp đầy đủ thông tin để khách hàng đi đến quyết định mua hàng nhanh hơn.
Cách lập Content Mapping
Xác định đối tượng mục tiêu
Trước khi bắt đầu xây dựng một kế hoạch nội dung hiệu quả, điều đầu tiên bạn cần làm là xác định rõ đối tượng khách hàng mục tiêu của mình. Ở bước này, bạn không nên nhắm đến một nhóm đối tượng quá rộng. Thay vào đó, hãy tập trung vào việc xây dựng một chân dung cụ thể về đối tượng bạn muốn tiếp cận. Chân dung này cần phản ánh rõ nhu cầu, thói quen và các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của họ.
Chân dung người mua và người đọc
Trong nhiều trường hợp, người quyết định mua hàng (người mua) và người trực tiếp tiếp xúc với thông tin marketing (người đọc) lại là hai người khác nhau.
- Chân dung người mua (Buyer Persona): Đây là mô tả chi tiết về người có quyền quyết định mua hàng, tập trung vào vị trí công việc, thách thức mà họ gặp phải và các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định của họ.
- Chân dung người đọc (Reader Persona): Đây là những người có thể không trực tiếp đưa ra quyết định mua hàng nhưng lại ảnh hưởng đến quá trình đó. Họ là người tiêu thụ nội dung marketing của bạn và có vai trò quan trọng trong việc truyền tải thông tin, thuyết phục người mua.
Để tối ưu hóa nội dung marketing, bạn cần nhắm mục tiêu đến cả hai chân dung này. Nội dung phải vừa cung cấp giá trị cho người đọc để họ hiểu được lợi ích cụ thể, vừa đủ thuyết phục người mua đưa ra quyết định cuối cùng.
Chân dung khách hàng B2C và B2B
Tùy thuộc vào loại hình kinh doanh, thông tin cần thu thập để xây dựng chân dung khách hàng sẽ khác nhau:
- B2C: Khi kinh doanh hướng tới người tiêu dùng, bạn cần tập trung vào các thông tin cá nhân như độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, sở thích, hành vi tiêu dùng, thu nhập và lối sống. Các yếu tố này giúp bạn hiểu rõ hơn về hành vi mua sắm của họ và tạo ra nội dung gần gũi, phù hợp với cuộc sống và nhu cầu hàng ngày của họ.
- B2B: Trong trường hợp kinh doanh đến doanh nghiệp, bạn cần thu thập thông tin về quy mô công ty, ngành nghề, vị trí công việc, các thách thức trong kinh doanh và ngân sách dành cho sản phẩm hoặc dịch vụ. Chân dung khách hàng B2B thường đòi hỏi bạn phải hiểu rõ về cấu trúc tổ chức và quá trình ra quyết định trong doanh nghiệp.
Nghiên cứu thị trường
Một trong những sai lầm phổ biến mà nhiều người mắc phải là nghĩ rằng họ đã hiểu đủ về đối tượng mục tiêu. Thực tế, nhu cầu và mối quan tâm của khách hàng luôn thay đổi theo thời gian và môi trường kinh doanh. Vì vậy, cách tốt nhất để hiểu rõ hơn về khách hàng là trực tiếp trò chuyện và lắng nghe ý kiến của họ. Dưới đây là một số cách bạn có thể thực hiện:
- Phỏng vấn: Trò chuyện trực tiếp với những người trong đối tượng mục tiêu của bạn để hiểu rõ hơn về những khó khăn, sở thích và kỳ vọng của họ đối với sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn.
- Tổ chức nhóm thảo luận: Tổ chức các buổi thảo luận nhóm với đối tượng mục tiêu để lắng nghe những ý kiến, quan điểm và các vấn đề mà họ đang gặp phải.
- Tham gia các diễn đàn trực tuyến: Theo dõi các cuộc thảo luận trực tuyến trên các diễn đàn liên quan đến lĩnh vực của bạn để hiểu thêm về những chủ đề mà khách hàng tiềm năng quan tâm.
- Trao đổi với đội ngũ bán hàng: Nhân viên bán hàng và bộ phận hỗ trợ khách hàng thường có nhiều thông tin về những thắc mắc và mối quan tâm phổ biến của khách hàng.
- Khảo sát khách hàng hiện tại: Nếu bạn đã có khách hàng trong thị trường mục tiêu, hãy gửi khảo sát cho họ để thu thập thông tin thêm trải nghiệm và nhu cầu của nhóm này.
Xác định hành trình khách hàng
Bước tiếp theo là xác định các giai đoạn cụ thể mà khách hàng của bạn trải qua trước khi đưa ra quyết định mua hàng. Mỗi giai đoạn sẽ yêu cầu nội dung và chiến lược tiếp cận khác nhau.
- Giai đoạn nhận thức: Khách hàng bắt đầu nhận ra họ có vấn đề hoặc nhu cầu cần giải quyết. Ở giai đoạn này, họ tìm kiếm thông tin để hiểu rõ hơn về vấn đề của mình. Nội dung phù hợp có thể là các bài viết hướng dẫn, video giáo dục hoặc bài đăng trên blog cung cấp kiến thức cơ bản về vấn đề.
- Giai đoạn cân nhắc: Sau khi đã hiểu rõ vấn đề, khách hàng bắt đầu tìm kiếm các giải pháp khả thi. Họ có thể so sánh các phương án khác nhau để xem đâu là lựa chọn tốt nhất. Nội dung ở giai đoạn này nên cung cấp thông tin chi tiết về sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn, nêu rõ lợi ích và các yếu tố nổi bật so với đối thủ.
- Giai đoạn quyết định: Đây là lúc khách hàng sẵn sàng đưa ra quyết định mua hàng. Họ chỉ cần một chút xúc tác để làm điều này. Vì vậy, nội dung phù hợp cho giai đoạn này có thể là trang đích (landing page) giải đáp các câu hỏi cuối cùng hoặc các điểm so sánh chi tiết về sản phẩm của bạn so với đối thủ.
Liên kết nội dung hiện có với các giai đoạn của hành trình khách hàng
Sau khi xác định các giai đoạn trong hành trình khách hàng, bạn cần liên kết nội dung hiện có với từng giai đoạn. Bạn nên tạo một bảng theo dõi, trong đó mỗi hàng đại diện cho một nội dung bạn đã tạo. Cần ghi chú các yếu tố sau cho mỗi nội dung:
- Tiêu đề nội dung
- Liên kết đến nội dung
- Loại nội dung (ví dụ: bài viết blog, ebook, video)
- Giai đoạn của hành trình khách hàng mà nội dung hướng đến
- Đối tượng mục tiêu mà nội dung phục vụ
Xác định lỗ hổng trong nội dung
Khi bạn đã có một bức tranh toàn diện về nội dung hiện có, hãy sử dụng bản đồ nội dung để phát hiện những phần làm chưa tốt. Có thể nội dung của bạn chưa trả lời đầy đủ hoặc chưa đề cập tới các câu hỏi quan trọng của khách hàng.
Lập kế hoạch nội dung
Bước cuối cùng trong quy trình là lập kế hoạch nội dung dựa trên các lỗ hổng đã xác định. Bạn cần ưu tiên những chủ đề quan trọng và nhắm đến các giai đoạn mà nội dung làm chưa tốt. Đồng thời, hãy cân nhắc việc đầu tư vào các kênh và các hình thức truyền tải khác như video, infographics hoặc nội dung tương tác. Kế hoạch nội dung cần rõ ràng, chi tiết và tập trung vào việc tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng qua từng giai đoạn của hành trình mua hàng.
DIMI Digital mong rằng bài viết đã giúp bạn hiểu hơn về khái niệm, vai trò và cách lập content mapping. Nếu bạn cần tư vấn thêm về chiến lược Digital Marketing, đừng ngần ngại liên hệ DIMI Digital để được hỗ trợ tốt nhất.