CÁC BƯỚC “THẦN THÁNH” ĐỂ CHỌN THỊ TRƯỜNG NGÁCH HIỆU QUẢ

Chọn thị trường ngách là điều quan trọng bậc nhất trước khi bạn bắt tay vào kinh doanh. Những  ý tưởng kinh doanh tốt nhất phải phù hợp với thị trường và với chính bản thân bạn.

“Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Khi bắt đầu kinh doanh, bạn cần xác định bản thân là bé nhỏ, yếu ớt cả về tiềm lực, kĩ năng lẫn kinh nghiệm. Bạn không thể bơi ngay ra biển lớn, bởi sẽ dễ bị các đối thủ lớn “ăn thịt”. Vì thế hầu hết các start-up đều lựa chọn cho mình những thị trường ngách.

Thị trường ngách là nơi có khách hàng tiềm năng nhưng ít cạnh tranh

Thị trường ngách là gì? Nó phải đảm bảo tối thiểu 2 yếu tố sau: đang còn ít đối thủ cạnh tranh nhưng vẫn có lượng khách hàng tiềm năng nhất định. 

Chẳng hạn bạn đang kinh doanh ốp điện thoại. Ở thị trường này có rất nhiều nhà cung cấp sừng sỏ với thâm niên hàng chục năm. Bạn nghĩ mình đủ sức cạnh tranh với họ không? Chắc chắn là không rồi. 

Nhưng nếu nhìn kỹ hơn một tí ta có để đánh vào 1 ngách nhỏ của ốp điện thoại Android. Ví dụ như ốp điện thoại Xiaomi chẳng hạn. Xiaomi là những điện thoại có cấu hình rất tốt, giá cả lại rẻ hơn các hãng khác. Nó rất phù hợp với những người thu nhập tầm trung và thấp. 

Thậm chí nếu thấy thị trường Xiaomi vẫn còn nhiều đối thủ, bạn có thể đi vào ngách sâu hơn. Chẳng hạn như bạn chỉ kinh doanh ốp của 1 số điện thoại Xiaomi giá rẻ dưới 5 triệu như Redmi 9A, 9C. 

Tóm lại, đó là những gợi ý lựa chọn thị trường ngách tiềm năng để kinh doanh sao cho hiệu quả.

2. CÁCH XÁC ĐỊNH THỊ TRƯỜNG NGÁCH CỦA RIÊNG BẠN

Tất nhiên, để lựa chọn ngách chính xác, chúng ta không chỉ phỏng đoán như trên. Ta phải nghiên cứu rất kỹ và đo lường với những chỉ số cụ thể. Lựa chọn con đường đúng đắn, bạn không cần tốn nhiều sức vẫn thành công. Lựa chọn sai, bạn có nỗ lực cách mấy cũng dễ thất bại, nản chí. 

Vậy làm thế nào để biết được con đường đúng đắn? Thị trường ngách mà bạn chọn phải là tổng hợp 4 yếu tố: sở thích, sự hiểu biết, nhu cầu thị trường và độ cạnh tranh. Đầu tiên hãy vẽ 4 vòng tròn như sau:

Sơ đồ xác định thị trường ngách của bạn

Trong mỗi vòng tròn bạn điền vào các từ thích hợp. 

Chẳng hạn trong vòng tròn “Sở thích” hãy điền vào những thứ mà bạn yêu thích. Ví dụ bóng đá, thời trang, mỹ phẩm, game, công nghệ…

Tiếp theo, ở vòng tròn “Sự hiểu biết”, hãy điền vào những lĩnh vực mà bạn giỏi và có nhiều kiến thức. 

Nên nhớ giữa thích và giỏi là 2 phạm trù khác nhau. Bạn có thể yêu thích về công nghệ nhưng chưa chắc bạn đã có nhiều kiến thức, kinh nghiệm ở mảng này. Vì thế phải hết sức lưu ý. 

Sau khi có được 2 vòng tròn này, tiếp theo chúng ta sẽ đến với việc tìm hiểu nhu cầu thị trường và độ cạnh tranh. Vì nguồn lực và thời gian có hạn, ta không thể đi gõ cửa từng nhà mà hỏi xem nhu cầu họ là gì. Bạn cũng không có nhiều tiền để thuê 1 công ty chuyên nghiệp đánh giá thị trường. 

Rất may chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ thông tin. Có những công cụ tạo khảo sát vô cùng hữu ích có thể giúp ta tìm hiểu 2 vấn đề nêu trên. Đặc biệt những công cụ này lại tốn rất ít chi phí và thậm chí miễn phí. 

Vậy bạn có muốn biết những “vũ khí” tuyệt vời ấy là gì không? Tất cả sẽ được bật mí cho bạn trong phần sau.

3. CÁC CÔNG CỤ HỖ TRỢ NGHIÊN CỨU THỊ TRƯỜNG NGÁCH

3.1. Dùng Google Trends để chọn lựa thị trường ngách trong kinh doanh

Tên trang truy cập: http://trends.google.com 

Hình thức: Miễn phí

Đây là công cụ miễn phí của Google dùng để xác định nhu cầu về sản phẩm và dịch vụ mà bạn đang nhắm đến. Google Trends sử dụng dữ liệu của những người tìm kiếm trên Google. Khi một người tìm kiếm điều gì trên Goolge tức là người đó đang có nhu cầu thực sự muốn mua hoặc sử dụng 1 sản phẩm, dịch vụ nào đó. Người ta ít khi nào lên Google tìm kiếm bâng quơ cho vui! Vì thế dữ liệu của Google Trends rất hữu ích để xác định nhu cầu của khách hàng.

Khi vào trang của Google Trends, bạn gõ từ khóa vào ô tìm kiếm. Đừng quên chọn nước Việt Nam nhé. Sau khi enter, bạn sẽ thu được một loạt kết quả. Bạn có thể thêm từ khóa bằng cách nhấp vào ô so sánh rồi gõ. Lúc này màn hình sẽ hiện lên cho bạn 2 hoặc nhiều biểu đồ đường thẳng giúp bạn có thể so sánh mức độ tìm kiếm của các từ khóa khác nhau.

Kéo xuống bên dưới, bạn sẽ thấy bản đồ Việt Nam thể hiện mức độ tìm kiếm của từ khóa theo vùng miền. Bạn sẽ biết được khu vực địa lý nào quan tâm nhiều đến lĩnh vực nào.

Không dừng lại ở đó, Google Trends còn cung cấp 1 bảng các từ khóa liên quan đến lĩnh vực của bạn. Bảng này cũng rất quan trọng. Hãy nhấp vào chọn mục “Gia tăng” (bản tiếng Anh: “Rising”). Đó là những từ khóa có lượt tìm kiếm tăng mạnh mẽ trong thời gian gần đây. Đặc biệt một số từ khóa còn ghi chữ “Đột phá” (bản tiếng Anh: “Breakout”). Nó biểu hiện cho nhu cầu tìm kiếm tăng mạnh mẽ của khách hàng tiềm năng. Đó chính là thị trường ngách mà bạn cần theo đuổi.

Bảng phân tích từ khóa của Google Trends

Bạn thấy đó, Google Trends mang đến cho bạn bức tranh cụ thể về nhu cầu của thị trường. Bạn không hề phỏng đoán mà tất cả đều có cơ sở. Đây là một trong những công cụ miễn phí hỗ trợ nghiên cứu thị trường một cách tuyệt vời.

3.2. Công cụ Keywordtool. io

Tên trang truy cập: https://keywordtool.io/

Hình thức: Miễn phí + Trả phí

Đây là một công cụ khác để nghiên cứu các từ khóa tìm kiếm của khách hàng. Công cụ này hơn Google Trends ở chỗ ngoài cung cấp thông tin về nhu cầu, nó còn cho chúng ta biết thêm về độ cạnh tranh của các từ khóa. Vậy chúng ta cần biết độ cạnh tranh để làm gì? Như mình đã nói từ đầu thì ít cạnh tranh là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành nên thị trường ngách.

Hãy gõ 1 cụm từ mà bạn quan tâm ra ô tìm kiếm. Sau đó 1 loạt các từ khóa liên quan sẽ hiện ra. Đó là những từ có liên hệ nhất định đến lĩnh vực bạn quan tâm đang được nhiều người tìm kiếm trên Google gần đây. Nó cung cấp nhiều thông số, trong đó 2 thông số quan trọng là Search Volume và Competition. Search Volume thể hiện bao nhiêu lần mà khách hàng tiềm năng tìm kiếm trên Google. Competition thể hiện có bao nhiêu đối thủ đang cùng khai thác từ khóa đó. Bạn có thể tải xuống kết quả này xuống thành bảng Excel để tiếp tục nghiên cứu thêm.

Giao diện Keywordtool.io

Có một điều đáng tiếc là khi xài bản miễn phí, bạn chỉ xem được thông tin của một số lượng từ khóa nhất định. Các phần Search Volume và Competition đều bị ẩn đi gần hết. Vì thế tùy vào nhu cầu và khả năng tài chính, bạn nên cân nhắc có sử dụng bản trả phí hay không để có thể nhận được thông tin đầy đủ nhất.

Nếu sử dụng trả phí, bạn sẽ có dữ liệu của Search Volume và Competition. Bạn bắt đầu nghiên cứu bằng cách download file dưới định dạng Excel. 

Sau đó đến bước lọc từ khóa. Để làm điều đó bạn thực hiện theo các bước sau:

  • Bôi đen cả cột Competition (Cạnh tranh).
  • Chọn công cụ Filter (bộ lọc) trong Microsoft Excel.
  • Tick vào từ khóa có độ cạnh tranh Low (thấp).
  • Nhìn sang cột Search Volume (khối lượng tìm kiếm), bôi đen cả cột.
  • Chọn công cụ Sort (Sắp xếp), rồi chọn Descending (sắp xếp từ nhiều đến ít).
  • Cuối cùng ta lọc ra được một cột các từ khóa vừa có độ cạnh tranh thấp, vừa có lượng tìm kiếm cao.

Đó chính là ngách thị trường có lượng người quan tâm lớn (khách hàng tiềm năng) nhưng lại ít đối thủ (ít cạnh tranh). Đừng nghĩ rằng những từ khóa có độ cạnh tranh thấp mà lại ít người tìm kiếm nhé. Kết quả sẽ khiến bạn bất ngờ đấy!

3.3. Sử dụng “Allintitle” trên Google

Khi đã có danh sách các từ khóa có lượng tìm kiếm cao và độ cạnh tranh thấp, bước tiếp theo, bạn sẽ nghiên cứu vậy chúng ta có những đối thủ nào trong thị trường ngách này.

Đầu tiên bạn bật trình duyệt Chrome và bật sang chế độ tìm kiếm ẩn danh (Incognito). Khi truy cập ẩn danh sẽ cho ta kết quả khách quan hơn là truy cập kiểu thông thường. 

Tiếp theo, bạn gõ vào ô tìm kiếm với cấu trúc như sau:

“Allintitle: từ khóa”

Cấu trúc này sẽ cho bạn một kết quả của tất cả các trang web có chứa từ khóa bạn quan tâm. Đó chính là các đối thủ tiềm năng của bạn. Số lượng trang web tương đương với số lượng đối thủ ở lĩnh vực mà bạn tham gia vào. 

Nếu lĩnh vực đó ít đối thủ, thì chúc mừng bạn đã chọn thị trường ngách đúng. Còn nếu từ khóa đó có nhiều đối thủ thì bạn phải tìm kiếm lĩnh vực khác rồi.

Vậy thế nào là nhiều và thế nào là ít? Thông thường nếu có khoảng dưới 10 đối thủ thì bạn có thể yên tâm đánh vào ngách đó.

3.4. Dùng Similar Web

Khi đã có được danh sách các đối thủ ở trên, tiếp theo bạn cần nghiên cứu kỹ từng đối tượng này. Similarweb là một trong những trang uy tín để giúp bạn làm được điều đó. 

Địa chỉ của Similarweb: https://www.similarweb.com/

Khi vào đây bạn sẽ thấy một ô tìm kiếm. Hãy copy địa chỉ trang web của đối thủ bạn có và paste vào.

Dùng Similar web để nghiên cứu 1 trang web

Kết quả thu được sẽ cho bạn rất nhiều thông tin, những thông tin đó bao gồm như sau:

  • Direct traffic: truy cập trực tiếp địa chỉ trang web thông qua gõ trên ô địa chỉ của trình duyệt.
  • Referrals: là truy cập đến web thông qua một trang web khác.
  • Search: là truy cập đến web sau khi gõ tìm kiếm trên Google.
  • Social: là truy cập đến web thông qua mạng xã hội.
  • Mail: là truy cập đến web thông qua thư điện tử.
  • Display: là truy cập đến web nhờ quảng cáo. Tức là bài của trang web này chạy quảng cáo, bạn thấy và nhấp vào.
Thông tin về các loại Traffic của 1 trang web

Từ các thông số này (tính theo %) bạn sẽ biết được người ta truy nhập đến web của đối thủ chủ yếu thông qua con đường nào. Chẳng hạn như trong ví dụ, lượng Search cao nhất thì chứng tỏ khách hàng tiềm năng tìm đến đối thủ thông qua bộ máy tìm kiếm Google. Nếu muốn đánh mảng này, bạn cần đẩy mạnh SEO từ khóa để lên top. Còn giả sử chỉ số Referrals là cao nhất, chứng tỏ khách hàng tiềm năng truy nhập trang chủ yếu thông qua trang web khác. Vì thế bạn lại phải đẩy mạnh đi backlink ở các trang uy tín để cạnh tranh.

Các thông số này không những giúp bạn tìm ra được lĩnh vực kinh doanh đầy tiềm năng mà còn vạch nên chiến lược rất cụ thể cho tương lai.

Lời kết

Bài viết này mình đã cung cấp cho bạn những công cụ đơn giản nhưng hiệu quả để tìm kiếm thị trường ngách trong kinh doanh. Bạn không phải đoán mò, không áng chừng một cách mơ hồ mà tất cả đều có cơ sở và số liệu rõ ràng để nghiên cứu và so sánh. Những công cụ hiệu quả này sẽ vẽ ra cho bạn bức tranh rõ ràng về thị trường ngách mà mình quan tâm. Từ đó giúp bạn đưa ra lựa chọn chính xác, giúp bạn đỡ mất công sức mà vẫn nhanh tiến đến thành công trong kinh doanh. Dù ở bất kỳ thời đại nào, chọn thị trường ngách đúng đắn là bước đi khôn ngoan với những người khởi nghiệp.

dang-ky-email-marketingxây dựng hình ảnh thương hiệu