Kể chuyện thương hiệu sao cho ấn tượng? 

Đa phần các doanh nghiệp thành công đều có một điểm chung đó là họ biết cách kể những câu chuyện hấp dẫn và truyền cảm hứng về chính mình. Việc kể những câu chuyện thương hiệu giúp mở ra cơ hội để doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn với khách hàng. 

Kể chuyện thương hiệu là gì?

Kể chuyện thương hiệu là quá trình tạo ra một chuỗi sự kiện để xây dựng kết nối cảm xúc giữa thương hiệu và khách hàng. Kể chuyện thương hiệu là cách doanh nghiệp chia sẻ câu chuyện về công ty bao gồm lịch sử, sứ mệnh, mục tiêu và giá trị một cách sinh động và dễ hiểu.

Content marketing có phải là kể chuyện thương hiệu không?

Content marketing có thể là một cách để kể câu chuyện thương hiệu, nhưng không phải tất cả content marketing đều như vậy.

Content marketing là việc tạo ra bài viết, video hoặc các hình thức nội dung khác nhằm thu hút khách hàng mới, giữ chân khách hàng cũ cũng như xây dựng niềm tin ở họ. Đây là một công cụ để doanh nghiệp kể câu chuyện thương hiệu của mình.

Kể chuyện thương hiệu thông qua những content này giúp chúng trở nên hấp dẫn hơn vì phản ánh được giá trị và mục tiêu của doanh nghiệp.

Tại sao kể chuyện thương hiệu lại quan trọng?

Kể chuyện thương hiệu giúp doanh nghiệp chia sẻ những giá trị và mục tiêu của mình, từ đó tạo ra sự kết nối với những khách hàng có cùng suy nghĩ và sở thích. Điều này làm cho khách hàng cảm thấy gắn bó và tin tưởng hơn vào thương hiệu. Họ thấy rằng những gì công ty mang lại phù hợp với cái họ tin tưởng và mong muốn.

Theo nhà tâm lý học Jerome Bruner, khi thông điệp được truyền tải qua câu chuyện, người ta có thể nhớ lâu gấp 22 lần so với chỉ nghe những con số hay sự kiện khô khan. Một nghiên cứu khác từ Harvard Business Review cho thấy rằng khi khách hàng có sự kết nối cảm xúc với thương hiệu, họ sẽ gắn bó hơn và mang lại giá trị lâu dài cho công ty.

Ngoài ra, kể chuyện thương hiệu còn hỗ trợ chiến lược SEO, giúp nội dung của doanh nghiệp dễ dàng được tìm thấy và xếp hạng cao trên các công cụ tìm kiếm.

Những câu chuyện thú vị khiến khách hàng cảm thấy bất ngờ, cùng suy ngẫm và chạm đến cảm xúc của họ. Chúng dễ dàng lưu lại trong tâm trí, khác hẳn so với những con số hay bảng biểu khô khan.

Các yếu tố tạo nên một câu chuyện thương hiệu hay

Để xây dựng một câu chuyện thương hiệu ấn tượng cần chú ý đến những yếu tố sau:

  • Sự thấu cảm: Hãy chắc chắn rằng khách hàng có thể nhìn thấy chính mình trong câu chuyện thương hiệu của bạn.
  • Hấp dẫn: Xây dựng và duy trì một phong cách riêng biệt khi kể câu chuyện thương hiệu giúp nội dung của bạn sẽ trở nên dễ nhận diện ngay hơn.
  • Chân thật: Hãy trung thực về các giá trị, đặc điểm độc đáo của công ty và những thử thách mà bạn đang đối mặt.
  • Dễ tiếp cận: Tránh sử dụng thuật ngữ chuyên ngành hoặc kỹ thuật quá phức tạp và thể hiện bạn hiểu rõ khách hàng của mình là ai cũng như những khó khăn họ gặp phải.
  • Phù hợp với mục tiêu kinh doanh: Câu chuyện thương hiệu của bạn cần phải phù hợp với mục tiêu kinh doanh và được tích hợp vào tất cả các lĩnh vực trong doanh nghiệp, bao gồm marketing, bán hàng và các giao tiếp nội bộ lẫn bên ngoài.
  • Kêu gọi hành động: Trong câu chuyện thương hiệu của bạn, hãy khuyến khích người đọc thực hiện hành động, như mua sản phẩm, đăng ký dịch vụ, hoặc tham gia vào một chiến dịch nào đó. Mục tiêu là khiến họ cảm thấy mình cần phải hành động ngay lập tức để không bỏ lỡ cơ hội.

Lên kế hoạch câu chuyện thương hiệu trong 7 bước

Xây dựng câu chuyện thương hiệu sẽ tạo nền tảng cho chiến lược marketing của bạn.

Bước 1: Xây dựng câu chuyện doanh nghiệp

“Câu chuyện doanh nghiệp” là câu chuyện về sự ra đời của tổ chức và những sự kiện quan trọng đã đưa công ty đến vị trí hiện tại.

Xây dựng câu chuyện doanh nghiệp rất quan trọng trong việc kể chuyện thương hiệu. Câu chuyện này cần phản ánh mục tiêu cá nhân và giá trị của bạn. Khi làm vậy, bạn sẽ hiểu rõ hơn về cách những trải nghiệm cá nhân đã ảnh hưởng đến mục tiêu và sứ mệnh của công ty.

Ví dụ, Fire Department Coffee được sáng lập bởi Luke Schneider, một cựu chiến binh Hải quân Mỹ và cựu lính cứu hỏa. Trong quá trình làm việc, Schneider cảm thấy cần một loại cà phê mạnh mẽ để giúp anh duy trì năng lượng trong các ca trực kéo dài. Chính từ nhu cầu cá nhân này, anh đã nghĩ đến việc tạo ra một thương hiệu cà phê dành riêng cho các nhân viên cứu hỏa và cựu chiến binh, những người thường xuyên phải đối mặt với công việc căng thẳng. 

Câu chuyện doanh nghiệp này không chỉ giúp người sáng lập gắn kết với mục tiêu cá nhân mà còn tạo dựng một kết nối cảm xúc mạnh mẽ với khách hàng. Fire Department Coffee vẫn duy trì cam kết hỗ trợ các sáng kiến cho cựu chiến binh và nhân viên cứu hộ, từ đó củng cố giá trị thương hiệu. Câu chuyện này giúp khách hàng cảm thấy gần gũi và hiểu rõ hơn về sứ mệnh của công ty.

Trong câu chuyện doanh nghiệp, bạn có thể nghĩ đến những câu hỏi sau:

  • Tại sao công ty được thành lập?
  • Ai là người sáng lập?
  • Công ty được thành lập như thế nào?
  • Tầm nhìn của công ty là gì?
  • Công ty đã đạt được những thành công nào?
  • Công ty đã đối mặt với những thử thách nào?
  • Công ty đã vượt qua chúng ra sao?

Bước 2: Xây dựng hành trình của người hùng

“Hành trình của người hùng” là một trong những cách kể chuyện phổ biến mà bạn có thể dùng để xây dựng câu chuyện thương hiệu. Mô hình này theo một chuỗi cảm xúc mà khách hàng dễ dàng kết nối, giúp họ hiểu và nhớ đến câu chuyện của bạn trong các chiến lược marketing.

Trong câu chuyện này, “người hùng” là khách hàng tiềm năng, và hành động của họ được xác định rõ ràng. Câu chuyện sẽ mô tả vấn đề mà khách hàng gặp phải, cách sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn giúp họ giải quyết vấn đề đó, và kết quả cuối cùng họ nhận được.

Khách hàng tiềm năng được gọi là “người hùng” trong câu chuyện thương hiệu vì họ là trung tâm của câu chuyện. Mặc dù sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp có thể cung cấp giải pháp nhưng khách hàng mới là người trải qua hành trình trải nghiệm. Họ là người tìm cách vượt qua thử thách hoặc khó khăn, và sản phẩm của bạn là công cụ giúp họ thành công.

Cách gọi này mang tính ẩn dụ, thể hiện rằng khách hàng là người đang đối mặt với khó khăn, và thương hiệu của bạn là người bạn đồng hành, giúp họ vượt qua và đạt được kết quả tốt đẹp.

Hãy bắt đầu xây dựng “hành trình của của người hùng” bằng cách trả lời các câu hỏi sau:

  • Ai là người hùng của bạn?
  • Nhu cầu và mong muốn của họ là gì?
  • Vấn đề của họ là gì và họ đang giải quyết nó như thế nào?
  • Thương hiệu của bạn có thể giúp họ như thế nào?
  • Họ sẽ nghe về bạn như thế nào?
  • Giải pháp bạn cung cấp là gì?
  • Viễn cảnh tương lai sau khi sử dụng sản phẩm/dịch vụ như thế nào?

Bước 3: Suy nghĩ về phong cách thương hiệu

Kể chuyện thương hiệu sao cho ấn tượng

Điều này có nghĩa là gán những đặc điểm của con người vào thương hiệu, dựa trên sở thích và tính cách của khách hàng.

Ví dụ: GEICO là công ty bảo hiểm nổi tiếng ở Mỹ. Họ đã xây dựng phong cách thương hiệu thông qua các khẩu hiệu dễ nhớ và nhân vật hư cấu vui nhộn như chú GEICO Gecko. Nhân vật này, một con tắc kè vui nhộn, đã trở thành biểu tượng của thương hiệu và mang lại sự gần gũi, dễ tiếp cận cho khách hàng. Gecko không chỉ dễ thương mà còn dễ nhớ, tạo dựng một hình ảnh độc đáo trong tâm trí khách hàng. Chú Gecko trở thành “gương mặt” đại diện, mang đến cảm giác thân thiện, vui nhộn nhưng cũng rất tin cậy, giúp kết nối với khách hàng và kể câu chuyện thương hiệu của họ.

Bước 4: Xác định mục đích và giá trị thương hiệu

Đầu tiên cần xác định mục đích và giá trị của thương hiệu để định hướng câu chuyện và chiến lược của mình. Mục đích thương hiệu là giá trị bạn mang lại cho khách hàng còn giá trị thương hiệu là những nguyên tắc cốt lõi giúp phân biệt bạn với các đối thủ.

Dưới đây là một số ví dụ về mục đích của các thương hiệu nổi tiếng 

  • Dove: Giúp phụ nữ phát triển mối quan hệ tích cực với vẻ ngoài của mình.  
  • Patagonia: Tạo ra sản phẩm tốt nhất, bảo vệ thiên nhiên.  
  • Intuit: Nâng cao sự thịnh vượng trên toàn cầu.

Bạn cũng cần xác định từ bốn đến năm giá trị cốt lõi của công ty và giải thích lý do tại sao chúng quan trọng. Những giá trị thương hiệu mạnh mẽ sẽ giúp bạn nổi bật so với các đối thủ và tạo nên sự khác biệt. Hãy làm cho những giá trị này rõ ràng, dễ hiểu và súc tích.

Bước 5: Định nghĩa câu chuyện thương hiệu  

Câu chuyện thương hiệu không chỉ về công ty bạn mà còn phải giải quyết những vấn đề và nhu cầu của khách hàng. Hãy làm rõ lý do thương hiệu tồn tại, sứ mệnh của nó và cách nó thay đổi cuộc sống của khách hàng.

Mục tiêu xây dựng câu chuyện thương hiệu có thể bao gồm: tăng trưởng doanh thu, tăng lưu lượng truy cập tự nhiên, mở rộng lượng người theo dõi hoặc nâng cao nhận thức về thương hiệu.

Bạn có thể tạo ra một bảng với hai cột: một cột ghi các mục tiêu của bạn và một cột ghi các nguồn lực sẵn có mà bạn có thể sử dụng để đạt được mục tiêu đó. Nguồn lực không chỉ là tiền, mà có thể là một sản phẩm nổi bật hoặc lượng người theo dõi lớn trên mạng xã hội, giúp hỗ trợ việc xây dựng câu chuyện thương hiệu.

Bước 6: Viết câu chuyện thương hiệu

Với tất cả các bước đã kể trên, đến đây bạn đã sẵn sàng để viết câu chuyện thương hiệu của mình trong 200 đến 300 từ. Câu chuyện của bạn cần trả lời các câu hỏi chính như:

  • Khách hàng của bạn đang ở trong hoàn cảnh nào?
  • Những thách thức và nhu cầu của họ là gì?
  • Tại sao thương hiệu của bạn tồn tại?
  • Sứ mệnh của thương hiệu bạn là gì và làm thế nào để thay đổi cuộc sống của khách hàng?
  • Bạn hình dung tương lai của thương hiệu như thế nào?
  • Điều gì làm công ty của bạn trở nên khác biệt?

Ngoài ra, đừng quên thiết lập tone & mood cho thương hiệu của mình.

Ví dụ, Mailchimp là công cụ tiếp thị qua email đã nổi bật với linh vật Freddy (một chú khỉ hoạt hình) và giọng điệu thân thiện, thu hút các doanh nghiệp nhỏ. Khi công ty ra mắt nền tảng tiếp thị tất cả trong một vào năm 2019, họ kết hợp các câu chuyện về những người sáng lập và tuyên bố sứ mệnh công ty để mở rộng câu chuyện thương hiệu và kết nối với khách hàng.

Bước 7: Chia sẻ và phát triển câu chuyện thương hiệu

Chia sẻ câu chuyện thương hiệu trong toàn bộ tổ chức là rất quan trọng. Câu chuyện thương hiệu nên là nền tảng cho mọi hoạt động trong công ty, từ chiến dịch marketing, quan hệ công chúng cho đến quản lý nhân sự và đội ngũ bán hàng.

Câu chuyện thương hiệu là nền tảng cho chiến lược tiếp thị nội dung của doanh nghiệp. Hãy lấy câu chuyện đó làm cơ sở khi lập kế hoạch và phát triển nội dung. Ngoài ra, khi tuyển dụng nhân viên mới, đừng quên giúp họ hiểu rõ câu chuyện thương hiệu của công ty. Hãy biến câu chuyện thương hiệu thành một “tài liệu sống” mà bạn liên tục cập nhật và điều chỉnh theo phản hồi từ khách hàng.

Kết luận

Kể chuyện thương hiệu không chỉ là một phương pháp hiệu quả để khác biệt mà còn giúp doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ gắn kết, sâu sắc với khách hàng. 

Câu chuyện thương hiệu là sợi dây vô hình kết nối mọi chiến lược marketing, nội dung và hoạt động của công ty. Khi câu chuyện này được kể một cách rõ ràng và nhất quán, nó không chỉ giúp thương hiệu của bạn nổi bật mà còn chinh phục trái tim của khách hàng, tạo dựng mối quan hệ sâu sắc và lâu dài.

Hy vọng bài viết trên sẽ giúp ích cho bạn. Nếu bạn cần tư vấn thêm về chiến lược Digital Marketing, đừng ngần ngại liên hệ DIMI Digital để được hỗ trợ tốt nhất.

ChatCall
Evergreen content là gì