E-E-A-T là gì? Cách tối ưu website theo tiêu chuẩn này

Mục lục

Vị trí nội dung hoặc thương hiệu của bạn xuất hiện trên SERPs (Search Engine Results Pages – Trang kết quả của công cụ tìm kiếm) là yếu tố đặc biệt quan trọng để thu hút lưu lượng truy cập, từ đó, tạo khách hàng tiềm năng. Lọt vào trang đầu tiên của SERPs đã là một thành tích, nhưng nằm ở TOP 1 mới là điều các công ty thực sự mong muốn.

Đó là lý do, E-E-A-T (trải nghiệm, tính chuyên môn, tính thẩm quyền, độ tin cậy) trên Google trở nên quan trọng.   

E-E-A-T không phải là yếu tố xếp hạng trong thuật toán của Google. Tuy nhiên, nó được sử dụng để đánh giá chất lượng nội dung, cũng như đóng vai trò quan trọng trong việc xếp hạng bài viết đó. 

Trong bài viết này, DIMI Digital cùng bạn tìm hiểu sâu hơn về E-E-A-T (và YMYL), vai trò của trí tuệ nhân tạo trong tìm kiếm. Đồng thời chúng ta cũng tìm hiểu các cách nhằm cải thiện cả 2 yếu tố trên để tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (SEO) và xếp hạng cao hơn trên Google.

E-E-A-T là gì?

Ban đầu, Google chỉ đánh giá chất lượng nội dung dựa trên 3 yếu tố: E-A-T (Expertise – Chuyên môn, Authoritativeness – Thẩm quyền, Trustworthiness – Tin cậy). Chữ E thứ hai (Trải nghiệm) được thêm vào năm 2022 nhằm tính cả yếu tố kinh nghiệm khi xếp hạng nội dung.

E-E-A-T là một phần trong Bộ Nguyên tắc Đánh giá chất lượng tìm kiếm của Google. Bộ nguyên tắc này giúp những người đánh giá chất lượng kiểm tra nội dung dựa trên 3 yếu tố: chất lượng trang, hiểu nhu cầu người dùng và đáp ứng nhu cầu người dùng.

Từ phản hồi của những người đánh giá này, công cụ tìm kiếm đo lường được mức độ thành công của các bản cập nhật thuật toán. 

E – Trải nghiệm

Người tạo ra nội dung có kinh nghiệm trực tiếp hoặc trải nghiệm thực tế về chủ đề họ đang viết không? Chẳng hạn, mọi người thường tin tưởng đánh giá của người đã sử dụng sản phẩm hơn là người chưa từng dùng qua. 

E – Chuyên môn  

Liệu nhà sáng tạo nội dung có kiến thức chuyên sâu hay kỹ năng vững chắc về chủ đề họ đang đề cập? Lấy ví dụ, khi cần sửa chữa rò rỉ nước, mọi người sẽ tin tưởng thông tin từ một thợ sửa ống nước chuyên nghiệp hơn là một người có đam mê về sửa chữa, nhưng lại ít kinh nghiệm. 

A – Uy tín 

Độ uy tín được xem xét dựa trên nền tảng: liệu trang web hoặc bài viết đó có được xem là nguồn đáng tin cậy khi đề cập về chủ đề đang nhắc đến hay không. Chẳng hạn khi muốn tìm hiểu về các xu hướng thời trang mới nhất, mọi người chọn tham khảo và tin tưởng một trang web uy tín như Vogue hơn là blog của một cá nhân đam mê thời trang.    

T – Độ tin cậy (Trustworthiness)

Độ tin cậy là yếu tố cốt lõi của E-E-A-T và cũng là yếu tố quan trọng nhất. Để đánh giá độ tin cậy, người đánh giá chất lượng của Google sẽ xem xét ba yếu tố: 

  • Tác giả
  • Nội dung
  • Trang web

Đó là lý do vì sao nội dung bài viết cần cho thấy dữ liệu chính xác, tác giả uy tín và trích dẫn từ các nguồn đáng tin cậy. Điển hình trang web có thẩm quyền cao như New York Times chính là nguồn tham khảo tuyệt vời.

Vì sao E-E-A-T lại quan trọng?

Vì sao tiêu chuẩn EEAT lại quan trọng?

Google và các công cụ tìm kiếm khác luôn muốn đem đến nội dung hữu ích cho người dùng. Mục tiêu của Google là cung cấp cho người dùng trải nghiệm tốt thông qua việc trả kết quả đáng tin cậy, hữu ích cho những gì họ đang tìm kiếm. Điều này khiến người dùng tiếp tục quay lại sử dụng.

Vì lẽ đó nên Google thường xuyên cập nhật thuật toán. Ví dụ gần đây là Google đã đưa Trải nghiệm tìm kiếm sáng tạo nhằm cung cấp câu trả lời do AI tổng hợp từ nhiều nguồn. Bên cạnh đó, họ cũng bổ sung yếu tố “E – Trải nghiệm” vào phần đánh giá.

Google đánh giá E-E-A-T như thế nào?

Những người đánh giá chất lượng của Google sử dụng các cấp độ để xếp hạng E-E-A-T:

  • Thấp nhất: các trang web thuộc nhóm này rơi vào ba loại: độc hại, không đáng tin cậy và spam.
  • Kém: các trang trong danh mục này được coi là có chất lượng thấp vì chúng thiếu kiến ​​thức chuyên môn, kinh nghiệm hoặc độ uy tín đối với chủ đề. Ví dụ: một blog viết về cách lái máy bay nhưng người viết không có kinh nghiệm làm việc đó. 
  • Cao: Các trang web này cung cấp nhiều kiến ​​thức chuyên môn, uy tín và đáng tin cậy để phục vụ một mục đích nào đó và họ đạt được mục đích ấy rất hiệu quả. Google dựa trên mức độ nỗ lực, tài năng hoặc kỹ năng và tính độc đáo, cùng với danh tiếng tốt của web đó để xem xét.
  • Rất cao: Nhóm này gồm các trang web thể hiện rõ ràng các bằng chứng về mức độ nỗ lực, độc đáo, tài năng hoặc kỹ năng cao. Điều này bao gồm những người thể hiện kiến thức thực tế sâu rộng về chủ đề họ đang viết. 

YMYL là gì?

Bên cạnh E-E-A-T, bạn cũng cần tìm hiểu thêm về YMYL. Đây là từ viết tắt của cụm Your Money or Your Life, tức chỉ trang web có chứa nội dung làm ảnh hưởng đến sức khỏe, hạnh phúc, sự an toàn và tài chính của người đọc. 

Google phân loại các trang web là YMYL khi nội dung của chúng có khả năng tác động đến hạnh phúc, sức khỏe, tình hình tài chính hoặc sự an toàn của người dùng. Điều này bao gồm nội dung tập trung vào các sự kiện và tin tức thời sự, tài chính, chính phủ và luật pháp, sức khỏe và an toàn, mua sắm.

DIMI Digital lấy ví dụ về nội dung YMYL để bạn dễ hình dung: cách điền mẫu khai thuế, cách tiết kiệm tiền hưu trí, cách điều trị ung thư ruột,…         

Trí tuệ nhân tạo (AI) và nội dung đạt chuẩn E-E-A-T

Hiện tại Google chưa phân loại riêng cho những nội dung do AI tạo ra. Tuy nhiên, họ đã khuyến nghị các nhà xuất bản nội dung nên gắn nhãn các hình ảnh được tạo bởi AI bằng cách sử dụng siêu dữ liệu dữ liệu hình ảnh IPTC. Đồng thời Google cũng cho hay, các công ty AI về hình ảnh sẽ sớm tự động thêm siêu dữ liệu đó.  

Ngoài ra, Google cho phép các nhà xuất bản nội dung dạng văn bản tự do quyết định có gắn nhãn cho nội dung thực hiện bởi AI hay không. Nhưng tại một hội nghị gần đây, Google nói rằng các thuật toán và tín hiệu của họ dựa trên nội dung của con người. Do vậy họ sẽ ưu tiên xếp hạng nội dung tự nhiên (do người tạo) ở vị trí cao hơn.

Tuy thế, điều này vẫn có khả năng thay đổi khi Google xây dựng chính sách về AI. Khi có thông tin mới nhất về việc này, DIMI Digital sẽ nhanh chóng thông tin đến bạn. 

Làm thế nào để cải thiện E-E-A-T?

Cải thiện E-E-A-T có thể giúp tối ưu hóa nội dung và thúc đẩy các nỗ lực SEO của website. Nó cũng có thể giúp bạn tạo ra nội dung chất lượng, phù hợp và hữu ích cho đối tượng mục tiêu.

Dưới đây là 6 mẹo giúp bạn cải thiện E-E-A-T hiệu quả. 

1. Loại bỏ những lỗ hổng kiến thức

Bạn sẽ biết khách hàng mục tiêu của mình đang tìm thông tin gì trên mạng chỉ khi bạn thực sự hiểu họ. Vậy sau khi đã đề cập đến các chủ đề cốt lõi liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ, bạn còn có thể viết về chủ đề nào khác?  

Đó là lúc bạn cần tìm kiếm những khoảng trống mà đối thủ cạnh tranh đã bỏ qua. Hãy trả lời các câu hỏi:

  • Có chuyên gia nội bộ nào có quan điểm thú vị về một chủ đề phổ biến không?
  • Bạn có nhận được phản hồi của khách hàng đang tìm kiếm thông tin về một chủ đề không? 

Hãy tưởng tượng bạn đang làm việc tại một công ty trang điểm. Bạn đã sáng tạo các nội dung xoay quanh lợi ích của sản phẩm, lời khuyên về cách chăm sóc da. Vậy còn nội dung về thói quen làm đẹp dựa trên từng loại da thì sao? Hãy thử cân nhắc về ý tưởng này!  

2. Thêm và làm mới nội dung

Google thích nội dung mới vì điều đó cho thấy trang web của bạn được chăm chút thường xuyên. Tần suất cập nhật nội dung phụ thuộc vào loại nội dung bạn cung cấp. 

  • Nội dung chuyên sâu: nếu công ty bạn được biết đến với các ấn phẩm nghiên cứu chuyên sâu, thì lịch nội dung của bạn nên phản ánh điều đó. Bạn không cần cập nhật mới hằng ngày, nhưng tất nhiên nên có kế hoạch xuất bản định kỳ. 
  • Nội dung nhanh: trường hợp bạn sản xuất các blog chứa nhiều thông tin hoặc hội thảo trên web hàng tuần, hãy đăng bài thường xuyên hơn để trang web thể hiện tính năng động, đồng thời giúp khán giả của bạn luôn được cập nhật sớm.. 

Lưu ý rằng đừng “bỏ xó” nội dung cũ ở một chỗ, vì chúng có thể nhanh chóng lỗi thời, đặc biệt nếu nó dựa trên xu hướng hoặc sử dụng số liệu thống kê cũ.

Bạn nên thực hiện nghiêm túc phần việc kiểm tra nội dung (content audit) để nắm tình hình hoạt động của chúng. Sau đó hãy tìm cách làm mới, tối ưu hóa nội dung hiệu quả nhất hoặc nội dung mà khán giả thấy hữu ích. Google sẽ nhận thấy bạn đã cập nhật nội dung và ghi nhận sự nỗ lực của bạn. 

3. Làm việc cùng các chuyên gia

Dù quy mô công ty bạn ra sao, hợp tác với chuyên gia để tạo nội dung gốc luôn có lợi cho E-E-A-T của bạn. Chuyên gia có thể là:

  • Nhân viên nội bộ: người am hiểu sâu về một lĩnh vực cụ thể.
  • Chuyên gia bên ngoài: người mang đến góc nhìn hoặc cách tiếp cận mới mẻ cho một chủ đề liên quan đến doanh nghiệp.

DIMI Digital liệt kê các cách hợp tác với chuyên gia để doanh nghiệp bạn cải thiện E-E-A-T:

Có nhiều định dạng nội dung bạn có thể sử dụng để hợp tác với chuyên gia, chẳng hạn như:

  • Bài đăng blog khách mời
  • Phỏng vấn trên hội thảo trên web
  • Phỏng vấn trên podcast
  • Trích dẫn chuyên gia trong bài đăng blog
  • Sách trắng (Whitepaper)
  • Sách điện tử (Ebook) hoặc hướng dẫn

Điều quan trọng là bạn chọn đúng chuyên gia sẽ được Google công nhận. Làm sao để kiểm tra trước? Hãy tham khảo các yếu tố E-E-A-T của chuyên gia đó thông qua: 

  • Hồ sơ truyền thông xã hội
  • Blog hoặc trang web cá nhân
  • Thành tích của tác giả 
  • Các bài đăng trên các ấn phẩm trực tuyến uy tín

Bạn cũng có thể cân nhắc hợp tác với những người ảnh hưởng có lượng người theo dõi tương đồng với đối tượng mục tiêu doanh nghiệp hướng đến. Chọn đúng đối tượng, triển khai nội dung phù hợp, bạn có thể thu hút khách hàng tiềm năng có nhu cầu cao và cải thiện được E-E-A-T. 

DIMI Digital rất tự hào khi đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp thành công nâng cao nhận diện thương hiệu và tạo ra khách hàng tiềm năng thông qua các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tiếp thị hiệu quả. Chúng tôi luôn sẵn sàng đồng hành và hướng dẫn bạn trọn hành trình.    

4. Sử dụng liên kết để xây dựng kết nối

Tạo hàng loạt chủ đề chính quan trọng đối với khán giả thôi là chưa đủ. Bạn nên cân nhắc việc liên kết chúng với các nội dung liên quan khác. Hãy sử dụng mô hình Hub-and-spoke (hoặc content pillar) để thực hiện điều này một cách chiến lược. 

Giả sử bài viết trung tâm của bạn là “Những kênh truyền thông xã hội nào phổ biến nhất?”. Từ đó, bạn tạo một vài bài viết riêng biệt tập trung vào từng nền tảng xã hội như TikTok, Facebook, Instagram,…. 

Kế tiếp, bạn có thể thêm một tuyến bài khác tập trung vào các chủ đề chuyên biệt, ví dụ: thuật toán mạng xã hội, người sáng tạo nội dung,… Những bài viết này sẽ là các nhánh của bài viết trung tâm ở trên.

Bằng cách sử dụng mô hình này, bạn đang xây dựng uy tín cho chủ đề đó. Việc bao gồm các liên kết nội bộ từ trung tâm đến các nhánh nhỏ, và giữa các nhánh với nhau có thể giúp trang cải thiện E-E-A-T.   

5. Quản lý và theo dõi uy tín thương hiệu

Như DIMI Digital đã đề cập, độ tin cậy là yếu tố cốt lõi của E-E-A-T. Điều này giải thích cho việc vì sao các doanh nghiệp luôn tích cực xây dựng danh tiếng tích cực trên trực tuyến. Nếu danh tiếng đang không được tốt, thương hiệu nên khắc phục vì nó sẽ ảnh hưởng đến uy tín và thứ hạng của họ trên công cụ tìm kiếm (SERP). 

Bạn có thể theo dõi danh tiếng thương hiệu của mình thông qua Google hoặc các trang đánh giá như Trustpilot và Yelp. Bạn cũng nên lưu ý thêm đến các mạng xã hội, vì đây là sân chơi phổ biến để khách hàng bày tỏ các quan điểm cả tích cực và tiêu cực của mình đối với thương hiệu. 

DIMI Digital chia sẻ với bạn một bí quyết để xây dựng danh tiếng tích cực, đó là phản hồi với khách hàng trên tất cả các kênh.

  • Nếu đó là đánh giá tích cực, hãy cảm ơn người đã để lại đánh giá và cân nhắc yêu cầu họ cung cấp lời chứng thực để bạn có thể sử dụng làm bằng chứng xã hội (social proof).
  • Nếu là đánh giá hoặc bình luận tiêu cực, hãy trả lời và hỏi họ xem bạn có thể làm gì để giải quyết vấn đề, thậm chí xin lỗi nếu đó là khiếu nại về sản phẩm hoặc dịch vụ. 

6. Chú trọng vào trải nghiệm khách hàng (CX)

Mục tiêu của Google là đáp ứng nhu cầu tìm kiếm của người dùng bằng cách dẫn họ đến nội dung có giá trị và đáng tin cậy. Do vậy, trải nghiệm khách hàng (CX) là yếu tố then chốt, đồng thời là nền tảng cốt lõi trong hoạt động kinh doanh của họ. 

Một phần quan trọng trong trải nghiệm khách hàng là hành trình của người dùng (customer journey). Các thương hiệu cần phải đáp ứng được những gì người dùng mong đợi khi nhấp vào một kết quả tìm kiếm. Chẳng hạn, nếu người dùng nhấp vào liên kết đến một blog, họ cần được dẫn thẳng đến blog đó và xem nội dung mà họ mong đợi dựa trên nội dung hiển thị trên trang kết quả tìm kiếm (SERP).

ChatCall
Từ khóa xuất phát từ ý định mua hàngCập nhật Google & Yahoo ảnh hưởng đến email marketing