Digital marketing và những thuật ngữ thông dụng

Theo định nghĩa từ Wikipedia, Digital Marketing là phương pháp quảng cáo sử dụng các thiết bị điện tử (máy tính cá nhân, điện thoại thông minh, điện thoại di động, máy tính bảng và thiết bị chơi game) để tương tác với người dùng thông qua những nền tảng như websites, email, ứng dụng và các mạng xã hội. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến các bạn những thuật ngữ và chiến thuật cơ bản trong thiết lập và triển khai một chiến lược digital marketing để đạt được tỉ lệ chuyển đổi (conversion) cao nhất!

Audience – Khách hàng mục tiêu

Đây là nhóm khách hàng mà chiến lược digital marketing của bạn hướng đến. Khái niệm này không chỉ bao gồm những khách hàng đã tương tác với bạn, mà còn đề cập đến những đối tượng khách hàng tiềm năng khác.

Để thực hiện hiệu quả hoạt động tiếp thị, bạn cần phải biết khách hàng mục tiêu của mình là ai. Một phương pháp xác định khách hàng mục tiêu hiệu quả là thông qua Social listening – lắng nghe khách hàng trên mạng xã hội. Social listening rất hữu ích cho việc xác định những đặc điểm cơ bản của khách hàng mục tiêu và xây dựng chiến lược content dựa trên nhu cầu của khách hàng.

Brand awareness – Mức độ nhận biết thương hiệu

Thuật ngữ này phản ánh mức độ phổ biến của thương hiệu bạn đang sở hữu, nói cách khác, nó là “tiếng tăm” của thương hiệu.

Gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu là mục tiêu của hầu hết các doanh nghiệp khi đầu tư vào digital marketing. Dưới đây là một vài bí quyết:

  • Influencer marketing: Tương tác với những nhân vật có tiếng trong ngành để tìm kiếm sự nổi tiếng cho thương hiệu
  • Guest content:  Làm nội dung cho những trang web không thuộc sở hữu của bạn. Điều này sẽ giúp mở rộng tương tác với người dùng, gia tăng mật độ xuất hiện của bạn trên internet
  • Partnerships: Hợp tác với những đối tác có liên quan để chia sẻ công việc, tiết kiệm quỹ thời gian và nguồn lực
  • Advertising: Quảng cáo để gia tăng nhận diện thương hiệu

Phần lớn những người làm marketing thường kết hợp các phương pháp trên để thúc đẩy mức độ nhận diện thương hiệu.

Competitive analysis – Theo dõi tình hình cạnh tranh

Kiểm soát thông tin về đối thủ cạnh tranh là một nhiệm vụ thiết yếu trong kinh doanh. Competitive analysis trong thời đại số được thực hiện khá dễ dàng và mang lại hiệu quả cao. Thông qua mạng xã hội, bạn có thể theo dõi được quá trình tương tác giữa đối thủ cạnh tranh và khách hàng của họ, kiểm soát những sai sót, thậm chí biết được hiệu quả SEO của đối thủ.

Theo dõi tình hình hoạt động của đối thủ khi làm digital marketing giúp bạn có được thông tin về:

  • Lợi thế của đối thủ và làm sao để đánh bại lợi thế đó
  • Những tính năng mới chuẩn bị được tung ra thị trường
  • Mức độ phổ biến của thương hiệu cạnh tranh
  • Thế mạnh của sản phẩm giúp thu hút khách hàng

Distribution channels – Kênh phân phối

Kênh phân phối là những phương tiện “vận chuyển” thông điệp digital marketing như: mạng xã hội, email, blog, diễn đàn,…

Hiểu rõ về kênh phân phối là điều quan trọng, vì mỗi kênh có những yêu cầu khác nhau về nội dung và phương pháp tiếp cận. Ví dụ như nội dung đăng lên Twitter có độ dài lý tưởng khoảng 70 – 100 từ, trong khi những người dùng Facebook lại thích những nội dung ngắn hơn (khoảng 40 từ). Bạn cần xác định đâu là kênh phân phối phù hợp nhất với chiến lược marketing của mình và triển khai nội dung phù hợp.

Engagement – Tương tác của khách hàng

digital-marketing-customer-engagement

Đây là mức độ yêu thích của khách hàng đối với nội dung bạn đăng lên thông qua những hoạt động tương tác. Đối với mạng xã hội, engagement được thể hiện ở số lượng người yêu thích, phản hồi hoặc chia sẻ nội dung của bạn. Lượng tương tác phản ánh hiệu quả của hoạt động social marketing, tương tác càng cao chứng tỏ bạn làm digital marketing càng hiệu quả.

Một số phương pháp gia tăng tương tác trên mạng xã hội:

  • Chia sẻ những bài viết, hình ảnh thu hút sự chú ý
  • Đăng bài post dạng câu hỏi để người dùng chia sẻ quan điểm
  • Tương tác qua các bài thăm dò ý kiến
  • Ask me anything

(Marketing) Funnel – Phễu tiếp thị

 

Phễu tiếp thị (Marketing Funnel) là một mô hình chuyển hoá khách hàng, từ các bước cơ bản như nhận thức thương hiệu, đến mua hàng và trở thành khách hàng thân thiết.

Một marketing funnel trong digital marketing cơ bản sẽ có những giai đoạn sau:

  • Khám phá: Khách hàng nhận thấy họ đang gặp vấn đề nhưng chưa xác định rõ đâu là vấn đề
  • Xem xét: Khách hàng xác định được vấn đề và bắt đầu tìm kiếm giải pháp
  • Chuyển đổi: Khách hàng đưa ra quyết định lựa chọn và mua sản phẩm

Ví dụ, một marketing funnel của người dùng Amazon được thể hiện như sau:

  • Vào trang web Amazon.com
  • Xem sản phẩm
  • Đặt sản phẩm vào giỏ hàng
  • Mua sản phẩm

Theo dõi những hành vi mua sắm của khách hàng trên site có thể giúp doanh nghiệp phát hiện những bất thường trong quá trình mua hàng.

Mục đích mọi doanh nghiệp hướng đến là thu hút thật nhiều khách hàng vào phễu tiếp thị. Điều cần làm là xác định đúng thị trường mục tiêu và xây dựng nội dung phù hợp cho mỗi giai đoạn của phễu.

Goals – Mục tiêu

Để đo lường mức độ hiệu quả của các chiến lược digital marketing, doanh nghiệp cần phải đặt ra mục tiêu và so sánh thành quả của mình với mục tiêu đó.

Tiêu chí của một chiến lược marketing thành công là: Cụ thể, Có thể đo lường được, Có thể hoàn thành được, Tập trung vào kết quả và Đúng hạn (S.M.A.R.T: Specific, measurable, achievable, results-focused, timely.)

Đừng đặt ra những mục tiêu quá chung chung như “tăng khả năng nhận diện thương hiệu” hoặc “tăng tương tác với khách hàng”. Mục tiêu càng cụ thể và có thời hạn (3 tháng hoặc 6 tháng) thì càng dễ đánh giá.

Ví dụ cụ thể về cách đặt mục tiêu:

  • Tăng 10% lượng truy cập
  • Đạt tỉ lệ click 5% thông qua Adwords
  • Tăng tỉ lệ mở email lên 5%
  • Tăng tỉ lệ chia sẻ trên mạng xã hội lên 5%

#Hashtags

Twitter là mạng xã hội đầu tiên dùng Hashtags để phân loại những nội dung có cùng chủ đề. Sử dụng hashtag trong bài viết sẽ giúp người dùng tìm kiếm bài viết đó dễ dàng hơn, tạo ra một cộng đồng những người quan tâm đến chủ đề trong hashtag.

Trong digital marketing, hashtags được sử dụng trong các bài viết về chiến dịch, sự kiện để gia tăng tương tác với người dùng. Tuy nhiên, hashtag cần được sử dụng một cách hợp lý, tránh những hashtag không có nghĩa hoặc hashtag từng chữ một.

Influencer marketing

Influencer marketing là một hình thức marketing sử dụng những influencer (tạm dịch là người ảnh hưởng) để gửi thông điệp của nhãn hàng đến thị trường. Thay vì quảng cáo trực tiếp đến với một nhóm khách hàng, bạn sẽ truyền cảm hứng và trả tiền cho người ảnh hưởng để giúp bạn làm điều đó.

Một số điều kiện cần có của một influencer:

  • Thích hợp với lĩnh vực mà doanh nghiệp bạn đang kinh doanh
  • Tích cực hoạt động trên mạng xã hội
  • Có tầm ảnh hưởng
  • Là người tích cực

Nếu chiến dịch digital marketing của bạn không đủ kinh phí để chi trả cho các influencer, hãy thử phương pháp S4S (share for share). Bạn chủ động chia sẻ bài viết của người đó trên các trang mạng xã hội của mình, đổi lại, influencer cũng sẽ chia sẻ về sản phẩm của bạn trên fanpage.

-Jacking

“Jacking” nghĩa là sử dụng thứ gì đó để đem lại lợi ích cho bạn. Một số ví dụ là memejacking, pagejacking, or newsjacking.

Ví dụ, memejacking là việc chèn thông điệp marketing thông qua việc sử dụng một meme nổi tiếng trên internet làm minh họa.

Newsjacking là một thuật ngữ trong truyền thông để chỉ hành động “dựa hơi” vào một sự kiện hay tin tức nóng trong hiện tại để lên các chương trình truyền thông nhằm một mục đích cụ thể nào đó, như tăng độ phủ thương hiệu, thúc đẩy doanh số,…

-Jacking có thể tạo ra những hiệu ứng tiêu cực. Những hành động như pagejacking và clickjacking thường được xem là việc “hack” để tạo ra một lượng lớn khách hàng truy cập vào trang web.

Một thuật ngữ khác là launch jacking, có nghĩa là ra mắt sản phẩm mới. Các Seller sẽ tung ra tin về sản phẩm sắp ra mắt các internet marketer biết trước. Cơ hội mở ra cho các đối tác tiếp thị là nhanh tay seo keyword trước để lấy lợi thế hơn trong seo từ khóa lên top 1 google.

Keywords – Từ khóa

Các công cụ tìm kiếm giúp cho người dùng tìm được nội dung họ cần dựa vào hai yếu tố: đường dẫn và từ khóa. Theo Moz’s Beginner’s Guide to SEO, đường dẫn là phương tiện giúp cho các công cụ tìm kiếm “đi từ trang này sang trang khác”. Đây cũng giống như mô hình của một hệ thống tàu điện ngầm, với đường ray nối các trạm với nhau. Trạm nào càng đông thì hành khách càng có xu hướng ghé lại nhiều hơn, cũng như việc website càng đông lượng truy cập thì càng có thứ hạng cao trên công cụ tìm kiếm.

Để nội dung được tìm kiếm dễ dàng, bạn nên sử dụng từ khóa trong tiêu đề, URL và các đề mục.

Lưu ý: Không nên lạm dụng từ khóa vì nó có thể bị các công cụ tìm kiếm phát hiện ra và “phạt”. Từ khóa nên được dùng ở những vị trí hợp lý với nội dung đa dạng, hấp dẫn.

Livestreaming – Phát trực tiếp

Livestreaming là nội dung được truyền tải trực tiếp qua Internet, đòi hỏi phải có một thiết bị truyền thông xác định (ví dụ như máy quay video, hệ thống trao đổi âm thanh, phần mềm chụp màn hình), một bộ mã hóa để số hóa nội dung, một nhà xuất bản truyền thông và một mạng lưới phân phối nội dung để phân phối và cung cấp nội dung. Doanh nghiệp có thể tổ chức một buổi phát trực tiếp giới hạn người dùng và chỉ mời những người dùng liên quan đến buổi phát đó.

Facebook đã vừa cho ra mắt tính năng truyền hình trực tiếp Facebook Live, Youtube cũng rục rịch giới thiệu Youtube Connect để cạnh tranh.

Livestreaming là xu hướng marketing nổi bật từ năm 2016.

Monitoring

Monitoring là phương pháp lắng nghe mọi thứ được “bàn tán” trên internet thông qua từ khóa. Monitoring được sử dụng để theo dõi nhận diện thương hiệu, cập nhật hành vi người dùng trên mạng xã hội, tìm kiếm người ảnh hưởng hoặc theo dõi đối thủ cạnh tranh.  Mục đích chính của monitoring là để tìm kiếm những nội dung được xã hội bàn luận thông qua các công cụ monitoring. Các công cụ này có tính năng theo dõi từ khóa trên tất cả các platform như mạng xã hội, blog, website…, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.

Nurturing – Nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng

Nuturing (nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng) được hiểu một cách đơn giản là quá trình nuôi dưỡng và biến những người mua có nhu cầu trở thành khách hàng. Quá trình này gồm các hoạt động tiếp thị dưới dạng các ấn phẩm, blog, thư điện tử… và là một đề tài được bàn đến khá thường xuyên trong các sự kiện xây dựng quan hệ kinh doanh giữa các doanh nghiệp (B2B).

Một trong những công cụ quan trọng nhất của nurturing trong digital marketing là nội dung, dưới đây là một số chỉ dẫn khi xây dựng nội dung để nuôi dưỡng khách hàng tiềm năng:

  • Xây dựng nội dung phù hợp với từng giai đoạn của phễu marketing
  • Sử dụng những nội dung có tính kêu gọi (call-to-action)
  • Nâng cấp nội dung để follow up đối với những khách hàng quan tâm đến nội dung đó
  • Chạy email marketing sau khi đăng nội dung
  • Chăm sóc những khách hàng quan tâm nhưng chưa mua sản phẩm

Optimization – Tối ưu hóa

Tối ưu hóa là tận dụng tối đa các công cụ như website, emails, ứng dụng, quảng cáo, nội dung để tạo ra hiệu quả marketing cao nhất, thể hiện ở tỉ lệ chuyển đổi.

  • Dưới đây là một số phương pháp giúp tăng tỉ lệ chuyển đổi:
  • Ra quyết định dựa trên kết quả kiểm thử
  • Đầu tư nguồn lực cho việc tối ưu hóa
  • Tập trung xây dựng nội dung
  • Có sự kết hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận như sales, developer, content writer,…
  • Tập trung vào các thiết bị di động

Pull (or inbound) marketing

Inbound marketing là hoạt động dựa trên những nội dung thu hút và “nuôi dưỡng” khách hàng tiềm năng để tạo ra khách hàng, chứ không spam và làm phiền họ. Inbound Marketing tập trung cung cấp những nội dung có chất lượng cao nhằm thu hút khách hàng đến với công ty và sản phẩm một cách tự nhiên nhất.

5 yếu tố chủ chốt tạo ra một chiến lược inbound marketing hiệu quả gồm có:

  • SEO: Tối ưu hóa nội dung của bạn trên các công cụ tìm kiếm
  • PPC (quảng cáo pay per click): Quảng cáo chỉ hiện ra khi người dùng tìm kiếm sản phẩm
  • Content marketing:Content cần được tập trung xây dựng vì đây là chiến lược nòng cốt của inbound marketing để tạo ra sự tương tác
  • Social media: Sau khi tạo content, bạn cần PR cho content này trên các kênh mạng xã hội để tiếp cận được lượng người dùng đông đảo của các kênh này
  • Landing pages: Đây chính là nơi khách hàng tìm đến khi họ có nhu cầu sử dụng sản phẩm của bạn

Quora

Quora là mạng xã hội hoạt động dưới hình thức hỏi – trả lời. Người dùng đặt câu hỏi và những thành viên khác sẽ tham gia đóng góp ý kiến. Những câu hỏi/ câu trả lời chất lượng sẽ được đánh giá cao và trở nên nổi bật.

Làm digital marketing trên Quora rất đơn giản. Nếu sản phẩm hoặc nội dung của bạn có thể giúp khách hàng giải quyết được vấn đề, tức là bạn đã đem lại hiệu quả kinh doanh!

Một điều tuyệt vời nữa là những câu trả lời trên Quora thường có thứ hạng rất cao trên các công cụ tìm kiếm nhờ vào sự phổ biến và nội dung chất lượng. Chính vì thế, đây là một hình thức marketing không thể bỏ qua.

Quora là môi trường lý tưởng để nghiên cứu thị trường và phát triển các chiến lược nội dung. Nó còn là nơi bạn có thể theo dõi và tìm hiểu về đối thủ cạnh tranh. Thông qua những câu trả lời trên đó, bạn có thể biết được người dùng có cảm nhận ra sao về các sản phẩm đối thủ, và dùng những thông tin đó để phát triển sản phẩm của mình

Reddit

Gần giống với forum, Reddit là một nền tảng  nơi mà bạn có thể đăng những bài post dạng text, câu hỏi về một vấn đề nào đó hoặc chia sẻ link với định dạng hình ảnh, video hoặc dẫn link về website và các mạng xã hội khác.

Reddit được chia làm các subreddit gần giống các category với các lĩnh vực khác nhau. Khi bạn đăng tải một bài post trong một subreddit bất kỳ, người dùng trên subreddit đó có thể tham gia thảo luận bằng cách comment trên bài đăng của bạn. Ngược lại, bạn cũng có thể comment trên bài đăng của người khác hoặc dẫn link.

Nội dung đăng trên Reddit phải thỏa mãn những điều kiện sau đây:

  • Đúng nơi đúng chỗ: bài viết phải nằm trong subreddit phù hợp
  • Hấp dẫn, thu hút
  • Có tính cập nhật
  • Không lặp lại: Bài viết được đăng lần đầu tiên

Search engine optimization (SEO) – Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm

SEO là một trong những công cụ thúc đẩy tăng trưởng “quyền lực” nhất. Các maketers ngày nay rất linh hoạt trong việc ứng dụng những công cụ tối ưu hóa này để gia tăng thứ hạng cho trang web của họ.

Tại sao điều này là cần thiết?

Website chính là nơi lý tưởng để doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm đến khách hàng. Bằng cách tối ưu hóa website trên các công cụ tìm kiếm, thứ hạng của website đó sẽ được nâng cao, dễ dàng tiếp cận với khách hàng.

Cơ chế hoạt động

2 yếu tố giúp gia tăng thứ hạng tìm kiếm:

  • Từ khóa
  • Backlinks: Đường dẫn đến trang web của bạn từ những trang web khác. Khi một trang web dẫn link đến trang của bạn, điều này có nghĩa là trang của bạn có nội dung tốt. Google sẽ dựa vào đó để đánh giá thứ hạng.

Như vậy, để tăng thứ hạng trên Google, bạn phải đầu tư chất lượng từ khóa và các backlinks trên trang của mình.

Social listening – Lắng nghe người dùng trên mạng xã hội

Social Listening là công cụ nhằm thu thập dữ liệu trên Internet dựa trên những từ khóa được xác định trước. Nó thường được sử dụng để giám sát hình ảnh thương hiệu và theo dõi lượng người thảo luận đang thảo luận trực tuyến về nhãn hàng.

Những lợi ích của Social listening đối với doanh nghiệp:

  • Hiểu rõ thị trường hơn
  • Nắm rõ các xu hướng content
  • Lắng nghe những điều “xã hội” đang nói về bạn
  • Triển khai hành động đúng thời điểm

T-shaped marketer – Nhà tiếp thị chữ T

Một nhà tiếp thị được xếp là “T-Shaped” khi họ có kiến thức sâu sắc về một lĩnh vực cụ thể và là chuyên gia về lĩnh vực đó. Điều này được thể hiện bởi đường thẳng đứng của chữ “T”. Sau khi đã đạt được một cấp độ đỉnh cao về lĩnh vực yêu thích của mình thì họ sẽ tiếp tục mở rộng ra các kỹ năng khác – được thể hiện bằng đường gạch ngang của ký tự này.

T-shaped marketer sở hữu sự linh hoạt trong việc “chuyển đổi” giữa các vị trí công việc. Họ có kiến thức cơ bản về tất cả các lĩnh vực của marketing (bao gồm digital marketing). Trong trường hợp cần thiết, họ có thể đứng ra đảm nhiệm những vai trò không phải chuyên môn của mình để hỗ trợ cho team. Đây cũng là một phương pháp phát triển sự sáng tạo và hiệu quả hoạt động của đội ngũ marketing trong doanh nghiệp.

User experience – Trải nghiệm người dùng

Theo định nghĩa của Don Norman and Jakob Nielsen, trải nghiệm người dùng là tất cả các khía cạnh tương tác giữa người dùng và sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp. Trong đó, có 2 yếu tố liên quan đến digital marketing là nội dung và các hiển thị trên web

Nắm được nguyên lý tương tác giữa người dùng và nội dung website là vô cùng quan trọng, nó giúp người làm marketing hiểu được hành vi của khách hàng và tạo ra content phù hợp với những hành vi ấy.

Dưới đây là 6 bước để tối ưu trải nghiệm người dùng theo Justin Zalewski :

  • Tối ưu hóa hình ảnh hiển thị: Điều chỉnh kích thước hình ảnh trên site sao cho phù hợp, tránh tình trạng ảnh quá lớn, ảnh hưởng đến tốc độ của website
  • Tự động cải thiện tốc độ tải trang: Tăng tốc độ tải trang bằng cách load từng phần. Điều này có nghĩa là người dùng không cần phải download toàn bộ website khi vào trang web của bạn.
  • Tránh dùng stock photos
  • Tập trung vào việc nâng cao hình ảnh thương hiệu trong mắt khách hàng
  • Sử dụng nội dung rõ ràng, dễ hiểu, đặt tại những vị trí dễ thấy nhất trên site
  • Sử dụng các nút Call-to-action một cách hiệu quả

Virtual/augmented reality – Thực tế ảo (VR)/ Tương tác thực tế (AR)

VR là thuật ngữ dùng để miêu tả môi trường được mô phỏng trên máy tính, hiển thị thông qua màn hình máy tính hoặc kính nhìn không gian ba chiều.

AR tăng thêm trải nghiệm bằng cách cho chúng ta thấy những vật thể thực nhìn thấy được bằng mắt thường kèm theo đó là hiển thị những thông tin hữu ích về vật thể này được giả lập bằng máy tính. Tóm lại, VR thay thế hoàn toàn thế giới thực bởi một thế giới mô phỏng còn AR chỉ bổ sung thêm các chi tiết vào thế giới thực tại.

Đây là một ngành kinh doanh tiềm năng mà rất nhiều marketer đang khai thác. Chìa khóa để làm digital marketing với AR hiệu quả chính là làm mờ đi ranh giới giữa trải nghiệm thực và trải nghiệm ảo. Trải nghiệm qua thế giới ảo vừa thuận tiện, nhanh chóng, kèm theo là công nghệ ấn tượng nhưng lại có phần thiếu cá nhân hóa và kết nối. Còn trải nghiệm thực lại cho khách hàng thấy được “nhập vai” thật sự, cảm thấy hài lòng hơn, tuy nhiên lại thiếu đi sự tinh tế và hiệu quả của công nghệ kĩ thuật số. Vì vậy, một khi đã lựa chọn marketing với công nghệ tương tác thực, bạn cần xác định mục tiêu tận dụng tất cả những ưu điểm của AR và lấp đầy điểm yếu trên cả hai phương diện.

Whisper và Yik Yak

Whisper and Yik Yak là những ứng dụng mạng xã hội gửi tin nhắn ẩn danh khá phổ biến trong giới học sinh, sinh viên. Các marketer có thể ứng dụng công cụ này để lắng nghe và thực hiện các nghiên cứu thị trường bằng cách đặt câu hỏi về sản phẩm của mình dưới dạng người dùng ẩn danh.

YouTube

Người làm digital marketing không sử dụng Youtube được xem là một sai lầm. Video chính là tương lai của content marketing, và Youtube là người dẫn đầu!

Chìa khóa của một video hay là nghệ thuật kể chuyện – storytelling. Tiêu chuẩn của một chiến dịch Youtube marketing hiệu quả là:

  • Có tính thực tế
  • Phản ánh đúng sản phẩm và xây dựng được mối quan hệ với người dùng
  • Có sự kết hợp với các nhân vật ảnh hưởng để gia tăng tương tác
  • Có tính kết nối nhờ vào nội dung hấp dẫn và các hình thức call-to-action
  • Được cập nhật thường xuyên

Zapier

Zapier là một công cụ tự động cho phép các ứng dụng của bạn kết nối với nhau. Một số ứng dụng tương tự là IFTTT and Alfred. Những ứng dụng được kết nối là những ứng dụng lớn, uy tín, được đông đủ giới digital marketing hay dùng: paypal, Zoho, Getresponse, Aweber, Mailchimp,Google Drive,dropbox, Amazon, Gmail, Email, WordPress, Blog, Eventbrite, Instagram, Jotform,…

Tuyệt vời hơn nữa, bạn có thể dùng Zapier với Facebook Lead Ads để nhận thông tin khách hàng tự động và tiện lợi hơn.

Với công cụ này, mỗi khi có khách hàng gửi thông tin qua Facebook Lead Ads, bạn sẽ nhận được thông báo về email thay vì phải vào fanpage.

 

Hy vọng rằng, bài viết này đem đến cho bạn những thông tin hữu ích về tiếp thị kỹ thuật số – digital marketing. Hãy bắt đầu bằng việc thử các kênh mới như Yik Yak, Quora, Reddit và các chiến thuật mới như newsjacking hoặc livestreaming để đem lại những bước tiến lớn cho chiến lược tiếp thị của mình.  Chúc bạn có những dự án marketing thành công!

 

dịch vụ khách hàngonline advertising